[Review Phim Mắt Biếc] Chuyện Tình Ngạn - Hà Lan - Dũng dưới cái nhìn Tâm Lý Học
Vâng, "Mắt biếc", "xe honda", "đàn thùng",... là những cụm từ Hot nhất hiện nay. Tất cả đều xuất phát từ bộ phim đang nổi đình nổi đám của Victor Vũ - Mắt Lác...À nhầm, Mắt Biếc!
Chắc hẳn sau khi xem xong bộ phim rất nhiều người đồng cảm, thương cho Ngạn, thậm chí là trách Hà Lan vì đã bỏ lỡ một người đàn ông tốt như vậy. Tuy nhiên, chúng ta hãy thử phân tích bộ phim cùng các nhân vậy dưới góc nhìn tâm lý học để xem có gì thú vị đằng sau bộ phim này nhé!
(Lưu ý: bài Review chỉ thích hợp với những bạn đã xem phim hoặc đọc tiểu thuyết gốc của nhà văn Nguyễn Ngọc Ánh. Kẻo không sau khi đọc xong lại trách mình spoil =)))) )
Trước tiên, chúng ta sẽ điểm qua những đặc điểm chính của các nhân vật trong bộ phim:
1. Ngạn:
- Có gương mặt ưa nhìn, sáng sủa, dáng người gầy
- Học giỏi, đàn hay, biết sáng tác
- Nhà ở quê, đi xe đạp
- Có kỉ niệm tuổi thơ gắn bó với Hà Lan ở làng Đo Đo
- Yêu quê hương Đo Đo, trân trọng những kỉ niệm.
- Luôn quan tâm, chăm sóc Hà Lan dù bất kì điều gì xảy ra
2. Hà Lan
- Đẹp, RẤT đẹp, cả đôi mắt cũng đẹp luôn! Thế nên mới có tên là Mắt Biếc
- Thích những thứ mới lạ
- Có kỉ niệm gắn bó tuổi thơ với Ngạn
3. Dũng
- Đẹp trai, khuôn mặt lãng tử, dáng người cao to (chuẩn soái ca hiện nay)
- Học dốt (một lớp học hai năm), biết chơi Guitar điện
- Nhà giàu, ở thành phố, đi xe Honda
- Thích chơi bời trăng hoa.
Sẽ có nhiều bạn bỏ qua không đọc phần trên về tóm tắt đặc điểm các nhận vật, tuy nhiên xin lưu ý rằng những điểm này ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý nhân vật của chúng ta. Giờ hãy cùng tìm hiểu nào!
1. Hiệu ứng hào quang
Halo effect hay còn gọi là hiệu ứng hào quang là một thiên kiến nhận thức xảy ra khi ấn tượng ban đầu về một người quá mạnh khiến bạn không có đánh giá đúng về họ. Nếu ấn tượng ban đầu tốt, bạn sẽ nghĩ người này chỉ toàn tính cách tích cực. Ngược lại, bạn sẽ luôn thấy những điểm chưa tốt ở một người mình có ấn tượng xấu.
Hãy cùng nhớ lại khoảnh khắc lần đầu tiên Ngạn nhìn thấy Hà Lan khi cô bước vào lớp. Hà Lan ngay từ bé đã rất đẹp với đôi mắt biếc. Đây chính là "hào quang" đã khiến Ngạn "đổ" Hà Lan ngay từ lần đầu gặp mặt. Mặc dù sau này Hà Lan đã làm rất nhiều điều không phải với Ngạn nhưng anh vẫn sẵn sàng bỏ qua tất cả. Trong mắt Ngạn dường như Hà Lan vẫn luôn hoàn hảo, là tình yêu duy nhất của cuộc đời anh!
Một ví dụ khác cho hiệu ứng tâm lý thú vị này là câu chuyện của Hà Lan vs Dũng. Trong lần gặp đầu tiên, Hà Lan đã có ấn tượng rất tốt đẹp về Dũng: một người đẹp trai, cao dáo, biết cách ăn nói, nhà ở thành phố, có xe Honda, biết chơi guitar điện. Túm lại "ánh hào quang" chói lòa của Dũng đã khiến cô mờ mắt trước những nhược điểm khác của Dũng như: học dốt, lăng nhăng, vô trách nhiệm.
2. Hiệu ứng gió nam
Hiệu ứng này bắt nguồn từ câu chuyện ngụ ngôn của tác gia người Pháp – Jean de La Fontaine:
Gió Bắc và
Gió Nam thi uy lực với nhau xem ai thổi rơi áo khoác của người đi
đường. Đầu tiên là Gió Bắc thổ những luồng gió thật lạnh, lạnh đến thấu
xương, kết quả là người đi đường càng quấn áo chặt hơn. Gió Nam bắt đầu
từ tốn lay động, gió thật dịu và ánh mặt trời thật đẹp khiến người đi
đường cảm thấy như mùa xuân tràn ngập, vậy là họ cởi áo khoác ra để
thưởng thức bầu không khí dễ chịu ấy. Cuối cùng Gió Nam chiến thắng.
Gió Nam
trong câu chuyện sở dĩ đạt được mục đích là vì nó đã thuận theo nhu cầu
nội tại của con người. Phản ứng tâm lý sinh ra do được kích thích cảm
giác cá nhân và nhu cầu muốn thỏa mãn mình chính là “hiệu ứng Gió Nam”.
Hà Lan là một cô gái đẹp, đang độ tuổi mới lớn nên nhu cầu thỏa mãn cá nhân là rất lớn. Lúc này Dũng đã xuất hiện và giúp cô thỏa mãn những điều cô đang thích: đưa cô đi nhảy disco, xem chiếu bóng, đi tham quan thắng cảnh đẹp, đưa đón cô bằng chiếc xe Honda xịn xò (ăn đứt thanh niên Ngạn đi xe đạp =))) ), luôn chủ động trong mối quan hệ.
Còn nói về Ngạn, anh luôn rụt rè, dù cả hai đã thân từ nhỏ nhưng lời nói anh luôn giữ khoảng cách, không dám thổ lộ tình cảm với Hà Lan. Những điều Dũng làm cho Hà Lan ở trên, tại thời điểm đó ngoại trừ việc đi xe Honda thì Ngạn đều có thể đáp ứng được hết.
Ngạn đã không hiểu tâm lý Hà Lan, cô cần một người đàn ông chủ động, lo cho cô những thứ cô cần, giống như Dũng lúc đó chứ không phải một người đến lúc mất đi rồi mới nghĩ đến chuyện tỏ tình!
3. Hiệu ứng lân cận
Hiệu ứng này vô cùng đơn giản và cũng vô cùng quen thuộc nhưng ít ai để ý tới. Hiệu ứng này ông bà ta vẫn hay nhắc đến với câu: "Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén".
Thực tế là chúng ta dễ nảy sinh tình cảm với những ai sống gần mình, thời gian càng lâu tình cảm sẽ càng tha thiết.
Ngoài trường hợp của Ngạn và Hà Lan, chúng ta còn thấy một ví dụ khác của hiệu ứng này là của Trà Long vs Ngạn. Ngạn đã ở bên và chăm sóc Trà Long từ khi cô cất tiếng khóc chào đời tới khi cô trở thành một thiếu nữ, Trà Long không nảy sinh tình cảm mới lạ =]]]]
Tổng kết lại, ta có thể thấy: nguyên nhân Ngạn đánh mất Hà Lan chỉ có một phần là do gia cảnh giữa anh với Dũng, phần nhiều có lẽ do Dũng đã chơi quá xuất sắc trò chơi Tâm Lý. Anh hiểu rõ tâm lý Hà Lan nói riêng cũng như phụ nữ nói chung. Đồng thời anh cũng không quên đả kích tâm lý khiến đối thủ Ngạn hoang mang.
Cuối cùng, xin chia buồn cùng Ngạn và hẹn gặp lại các bạn trong các bài Review xàm xí sau!
No Comment to " [Review Phim Mắt Biếc] Chuyện Tình Ngạn - Hà Lan - Dũng dưới cái nhìn Tâm Lý Học "